Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914-20/10/2024)
Tin tức sự kiện
Đăng ngày: 13/06/2019 - Lượt xem: 150
Xem xét tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với nhóm ngành nghề

Thảo luận tại hội trường về Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu nhưng cho rằng Ban soạn thảo cần có danh mục các ngành nghề tăng và ngành nghề được nghỉ hưu sớm để Quốc hội thảo luận, ban hành danh mục này.

Chiều 12/6, thảo luận ở hội trường về Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu và ủng hộ quyền được nghỉ hưu sớm ở độ tuổi thấp hơn quy định đối với nhóm lao động đặc thù, nhưng cần quy định cụ thể và đồng bộ với các chính sách khác để đảm bảo an sinh xã hội. Các đại biểu cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ là phù hợp với khả năng lao động, quá trình già hóa dân số, hội nhập quốc tế và thể chế hóa tinh thần của Trung ương về cải cách chính sách bảo biểm xã hội.

Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Theo đó phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Còn phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

http://dangcongsan.vn/DATA/0/2019/06/db_thu_ha_12_6-18_09_14_041.jpg

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang). Ảnh: quochoi.vn

Bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 1, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu trong thời điểm này là cần thiết vì đây là vấn đề bàn thảo từ nhiều năm nay, thể hiện quyền lao động của mỗi con người. Vì vấn đề tuổi nghỉ hưu đã quy định được 60 năm nhưng đến nay trước yêu cầu phát triển đất nước và sức khỏe của người dân đã được nâng lên nên việc tăng tuổi nghỉ hưu là chín muồi, nhất là trong tương lai chúng ta sẽ thiếu lao động.

“Đặc biệt hiện lương hưu của nữ chỉ bằng 84% so với nam. Tăng tuổi nghỉ hưu lên phụ nữ sẽ có thêm cơ hội trong lao động, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm. Bởi hiện có nhiều phụ nữ bị thiệt thòi trên con đường thăng tiến do bị giới hạn của tuổi nghỉ hưu hiện nay”- bà Thu Hà cho hay đồng thời đề nghị, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu rà soát, đưa ra các căn cứ khoa học, thực tiễn về các ngành nghề hoặc các đối tượng lao động đặc thù nào cần được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn và thấp hơn là bao nhiêu. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện đồng bộ với các chính sách khác về lao động và an sinh xã hội một cách tổng thể và cần được tuyên truyền đầy đủ để tạo ra sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.

Còn đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) nhìn nhận: “Cần tăng tuổi nghỉ hưu song phải thận trọng xem xét đối tượng ngành nghề như giáo dục mầm non, lao động độc hại có thể cho nghỉ hưu sớm 5-10 tuổi. Bên cạnh đó có những ngành nghề có thể tăng thêm tuổi lao động từ 5-7 tuổi. Do đó cần có danh mục các ngành nghề tăng và ngành nghề được nghỉ hưu sớm và Quốc hội cần phải thảo luận và ban hành danh mục này”.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ban soạn thảo cần tính toán việc tăng tuổi nghỉ hưu đến bao nhiêu để không đánh mất cơ hội việc làm cho giới trẻ. “Việc tăng tuổi hưu cần cân nhắc kỹ lưỡng, tính đến nhu cầu việc làm cho giới trẻ và một bộ phận không nhỏ lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc khi đã đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Nhất là lao động phổ thông, cán bộ công chức, viên chức bình thường. Tuổi thọ trung bình của nước ta hơn 76 nhưng sức khỏe thấp, mắc nhiều bệnh, việc tăng tuổi hưu như tờ trình nên cân nhắc để không đánh mất cơ hội cho tuổi trẻ. Nên chăng tuổi nữ tăng đến 58, nam là 62 là đủ. Đây cũng là nguyện vọng không nhỏ của cán bộ công chức, viên chức và người lao động bình thường”- đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Làm rõ vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu các nước khác cũng đều gặp phải khó khăn nhưng phải quyết định sớm khi còn thặng dư. Thường thì người lao động và người dân không đồng tình nhưng vì lợi ích quốc gia thì các nước đều quyết định nâng tuổi nghỉ hưu như: Nga, Anh, Pháp. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo 3 nhóm, thứ nhất là lao động bình thường; thứ hai không tăng ở các nhóm ngành nghề lao động độc hại và có thể cho nghỉ hưu sớm; thứ ba là nhóm nghỉ hưu muộn được quy định cụ thể là 17 thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, nữ Thứ trưởng, và các nhà khoa học, quản lý.

Cân nhắc tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm

Liên quan đến quy định tăng thời gian làm thêm giờ tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm vẫn còn ý kiến khác nhau. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh) không đồng tình vì cho rằng, tăng giờ làm thêm giờ lên 400 giờ/năm nghe có vẻ ngược so với thế giới vì thế giới đang kêu gọi tăng lương, giảm giờ làm.

Theo đại biểu Quyết Tâm, ai cũng có nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, chăm lo cho con, chứ không thể có nhu cầu đi làm quần quật suốt ngày mười mấy tiếng. “Xét trên góc độ đó tôi nghĩ Quốc hội phải đưa ra chính sách làm sao để người công nhân làm ít giờ mà tiền lương, thu nhập tăng lên. Tôi đề nghị Quốc hội nên bàn theo hướng đưa chính sách gì vào Bộ luật Lao động sửa đổi để cải thiện thu nhập của người lao động - đại biểu bày tỏ.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm lập pháp qua các thời kỳ, xem xét toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa trên các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năng suất lao động, thất nghiệp, an toàn lao động, tác động xã hội, năng lực giám sát và xử lý vi phạm, bảo đảm việc làm bền vững và hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hướng tới việc chấm dứt “nhân công giá rẻ”, “lương không đủ sống” ở các ngành nghề thâm dụng lao động; đồng thời, cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ, bổ sung danh mục về những “trường hợp đặc biệt” thuộc diện có thể làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm.

Liên quan đến đề xuất ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ, sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã xin tiếp thu và xin rút khỏi dự thảo Bộ luật việc chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ./.

Nguồn: dangcongsan.vn

 

Tin liên quan